Sunfarm hiệu quả từ mô hình trồng dưa lưới GlobalGAP

Tuesday,
13/09/2022
Đăng bởi: NONGTRAISUNFARM.VN

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đạt chuẩn GlobalGAP của Hợp tác xã Nông Nghiệp - Sản Xuất - Thương Mại - Dịch Vụ Thành Phương (HTX Thành Phương) là một trong những điển hình tiêu biểu trong phong trào sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao.  

Dưa lưới tại Nông Trại Sunfarm (HTX Thành Phương) được chăm sóc tỉ mỉ theo từng giai đoạn phát triển 

1. Mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao

Việc xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao đã trở thành lựa chọn của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, các mô hình này đã và đang góp phần thay thế cách canh tác truyền thống, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro do dịch bệnh, khiến năng suất, chất lượng nông sản không đảm bảo sang sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ, gắn với nhu cầu của thị trường.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đạt chuẩn GLobalGAP của Hợp tác xã nông nghiệp SXTMDV Thành Phương (HTX Thành Phương) là một trong những điển hình tiêu biểu. 

2. Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của Sunfarm 

Đến thăm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của HTX Thành Phương tại xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, một trong số ít HTX đầu tư trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao với quy mô lớn và hiện đại tại Bình Phước.

Các nhà màng được xây dựng theo tiêu chuẩn của Nhật Bản và đều được lắp đặt hệ thống cảm biến nhiệt độ, độ ẩm không khí, nền nhà được trải bằng lớp bạt trắng, có hệ thống máng thu hồi nước và khay cách ly nhằm hạn chế nấm bệnh lây lan trong vườn.

Hơn nữa, mỗi nhà màng cũng được trang bị thêm hệ thống quạt thông gió, phun sương nhằm duy trì nhiệt độ trong nhà màng phù hợp cho cây dưa lưới phát triển. Để cây dưa lưới phát triển đồng đều, nước tưới, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đến từng gốc dưa, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới.

Tất cả khâu tưới nước, bón phân, nhiệt độ, ẩm độ đều được điều khiển tự động trên máy tính và điện thoại thông mình. Công nhân chỉ việc cắt tỉa, chăm sóc cây và thu hoạch trái, giúp giảm công lao động và tiết kiệm chi phí sản xuất.

Trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao giúp tiết kiệm được nước tưới, ít sử dụng nhân công, có thể trồng quanh năm mà không sợ mưa hay yếu tố bất lợi của thời tiết. Nhà màng còn giúp che chắn mưa, hạn chế côn trùng xâm nhập, từ đó giúp giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Dưa lưới từ lúc trồng đến khi thu hoạch khoảng 65-75 ngày tùy giống, sản xuất được 3 - 4 vụ/năm. Mỗi sào dưa lưới cho thu hoạch khoảng trên 3 tấn/vụ/1000m2, giá bán giao động từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, với diện tích 1,8 ha nhà màng trồng dưa lưới thì doanh thu mỗi vụ đạt khoảng gần 3 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí sản xuất, HTX thu về lợi nhuận khoảng 1,8 tỷ đồng/vụ. 

Tuy nhiên, theo ông Cao Thăng – Giám đốc HTX Thành Phương, việc trồng dưa lưới cũng có những khó khăn nhất định. 

3. Những khó khăn khi áp dụng trồng dưa theo chuẩn GlobalGAP 

Sản xuất phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, đúng từng giai đoạn của cây, phải được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, ươm hạt và theo dõi kỹ quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cho đến khi thu hoạch.

Vào giai đoạn cây ra hoa cái sẽ bắt đầu tiến hành thụ phấn cho cây, tại HTX Thành Phương áp dụng phương pháp thụ phấn thủ công để đảm bảo cây trồng đậu trái đồng đều, theo ý muốn của người sản xuất và hạn chế được mầm bệnh xâm nhập.

Sau khi thụ phấn xong cây đã đậu quả thì sẽ tiến hành lựa chọn quả phù hợp để giữ lại (mỗi cây chỉ giữ lại một quả).

Khi cây đạt 25-28 lá, việc bấm ngọn được tiến hành để chất dinh dưỡng tập trung nuôi quả. Khi quả dưa bắt đầu hình thành vân lưới, cũng là lúc cần kiểm soát tất cả các loại sâu, bệnh hại có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Tại HTX Thành Phương việc kiểm soát sâu bệnh hại sẽ ưu tiên dùng các loại thuốc sinh học để phòng trừ sâu bệnh nên sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.

Các giống dưa được trồng tại HTX Thành Phương chủ yếu là các giống cao cấp như: Queen KN, Inthanol, Ichiba, A Liên, Huỳnh Long,... Để có vườn dưa lưới chất lượng cao cung cấp ra thị trường là cả quá trình chăm sóc rất cẩn thận, quan trọng nhất là khâu kỹ thuật, vụ dưa thành hay bại phụ thuộc nhiều ở khâu chăm sóc.

Kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màng cũng rất đa dạng, mỗi giống dưa có kỹ thuật riêng, công thức dinh dưỡng riêng không có mẫu chung và phụ thuộc vào kinh nghiệm của người trồng. Chính vì thế, các nhà vườn nên thận trọng khi đầu tư, không nên mở rộng theo hướng tự phát mà cần phải có lộ trình và cần cân nhắc kỹ khi sản xuất với diện tích lớn.

Ông Cao Thăng - Giám đốc HTX Thành Phương cho biết:

“Nắm bắt được nhu cầu, cũng như sự quan tâm của người tiêu dùng về chất lượng, sự an toàn của nông sản, HTX Thành Phương đã lựa chọn quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, nguồn nước tưới đến việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định, không gây hại cho sức khỏe con người… Tại đây, đã ứng dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp hiện đại tiên tiến, nhà màng được lắp đặt theo tiêu chuẩn Nhật Bản, cùng hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel... Sản phẩm dưa lưới tại HTX được sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt và đảm bảo chất lượng sản phẩm từ khi ươm giống cho đến tay người tiêu dùng”. 

4. Ý nghĩa của việc đưa mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao vào ứng dụng tại địa phương

Việc đầu tư mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao đã và đang tạo ra bước đột phá trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương, tránh những yếu tố bất lợi của thời tiết, giúp đem lại hiệu quả về kinh tế với năng suất, chất lượng vượt trội so với sản xuất thông thường.

Đồng thời, mô hình cũng là nơi để nông dân tại địa phương có thể học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng có những khó khăn nhất định như: vốn đầu tư tương đối lớn, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi phải tốn nhiều công, phải thật tỉ mỉ chăm sóc, nắm vững quy trình kỹ thuật...

Do đó, người nông dân phải biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mới có thể thành công. 

 

Theo Trung tâm khuyến Nông Việt Nam

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: