Tìm hiểu về các tiêu chuẩn VietGAP - tiêu chuẩn chất lượng tại Việt Nam

Wednesday,
01/06/2022
Đăng bởi: NONGTRAISUNFARM.VN

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như nâng cao ý thức người sản xuất, rất nhiều các tiêu chuẩn trong nuôi trồng, sản xuất và chế biến thực phẩm đã được đặt ra. Trong đó có tiêu chuẩn VietGAP, vậy tiêu chuẩn VietGAP là gì, có ý nghĩa như thế nào đối với thị trường hiện nay? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các thắc mắc trên cho bạn.

1. Tiêu chuẩn VietGAP là gì

VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là những tiêu chuẩn, quy định do Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành và hướng dẫn người sản xuất áp dụng nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động.

Những tiêu chuẩn, quy định trên được dựa trên quy định của luật pháp Việt Nam (Luật an toàn thực phẩm, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, ...), hướng dẫn của FAO và tham khảo quy định tại các tiêu chuẩn AseanGAP, GlobalGAP, EurepGAP, HACCP.

Tiêu chuẩn VietGAP chỉ có giá trị tại Việt Nam, như vậy mỗi nước đều ban hành tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt cho đất nước mình, chẳng hạn như: Lào có LaoGAP, Thái Lan có ThaiGAP, ... toàn cầu rộng hơn là GlobalGAP; đối với GlobalGAP được thừa nhận quốc tế.

2. Các tiêu chí để đánh giá chứng nhận VietGAP

Để đạt tiêu chuẩn VietGAP, các tổ chức phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây:

2.1 Tiêu chí về kỹ thuật sản xuất

Chứng nhận VietGAP yêu cầu các tổ chức phải đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật sản xuất. Nghĩa là phải đáp ứng được những tiêu chuẩn về phương pháp canh tác, thu hoạch cũng như những tiêu chuẩn về hạt giống (trồng trọt), con giống (thủy sản, chăn nuôi), nguồn nước, nguồn đất.

2.2 Tiêu chí về môi trường làm việc

Môi trường làm việc phải được có đầy đủ tiêu chuẩn cần thiết để bảo vệ tốt nhất cho người lao động về sức khỏe.

2.3 Tiêu chí về an toàn thực phẩm

Đây là tiêu chí rất quan trọng để các tổ chức có thể đạt tiêu chuẩn VietGAP. Để đảm bảo được về chất lượng thực phẩm và đạt chứng nhận VietGAP, trong toàn bộ khâu canh tác, tổ chức phải đảm bảo thực phẩm không bị ô nhiễm, nghĩa là không được sử dụng các chất bảo quản, dư lượng kháng sinh.

2.4 Tiêu chí về nguồn gốc sản phẩm

Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP phải có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo về chất lượng cũng như giúp cho việc kiểm tra xuất xứ sản phẩm của cơ quan quản lý và khách được dễ dàng hơn. 

Các bước ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP

3. Những lợi ích khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP

Trước tình hình thị trường xuất nhập khẩu nông sản, thủy sản trên Thế giới đang được kiểm soát chặt chẽ với những tiêu chuẩn gắt gao, sự ra đời của tiêu chuẩn VietGAP như một lời khẳng định về chất lượng sản phẩm, mang đến nhiều lợi ích cho hoạt động xuất nhập khẩu nông – thủy sản cũng như những lợi ích thiết thực cho đời sống xã hội, nhà sản xuất, các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở nước ta.

3.1 Khẳng định thương hiệu của nông sản Việt Nam

Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP là bằng chứng để khẳng định thương hiệu của nông sản Việt Nam, tăng kim ngạch xuất khẩu do vượt qua được rào cản kỹ thuật, không vi phạm các quy định, yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Áp dụng tiêu chuẩn VietGAP làm thay đổi tập quán, thói quen, hành vi sản xuất, tạo sản phẩm cho cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần làm cho xã hội giảm bớt được chi phí y tế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xã hội.

3.2 Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm được coi trọng, xây dựng thương hiệu sản phẩm

Thông qua áp dụng VietGAP, việc kiểm soát trong các khâu của sản xuất được coi trọng, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, ổn định, giúp nhà sản xuất phản ứng kịp thời với các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Khi được chứng nhận VietGAP, nông sản được sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt sẽ mang lại lòng tin cho nhà phân phối, cộng đồng tiêu dùng, cơ quan quản lý … giúp người sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm và tạo thị trường tiêu thụ ổn định.

3.3 Tạo nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, ổn định cho nhà phân phối

Sản xuất theo VietGAP tạo nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho công nghiệp chế biến, giúp các doanh nghiệp bảo đảm được chất lượng đầu ra của sản phẩm, vì thế giữ được uy tín với khách hàng và nâng cao doanh thu.

Đồng thời các doanh nghiệp có thể giảm bớt chi phí và thời gian cho việc kiểm tra mẫu nguyên liệu; giảm nguy cơ sản phẩm bị cấm nhập khẩu hoặc bị kiểm tra 100% khi nhập do không đảm bảo yêu cầu về dư lượng hóa chất.

3.4 Giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng, thúc đẩy các cơ sở sản xuất cải thiện chất lượng sản phẩm

Sản xuất theo VietGAP giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm có chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đây là mục tiêu chính và lợi ích lớn nhất mà VietGAP mang lại.

Bên cạnh đó, VietGAP sẽ tạo nên quyền được đòi hỏi của người tiêu dùng, góp phần giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết được sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường khi thấy có những dấu hiệu của sản phẩm VietGAP, đây là động lực chính thúc đẩy người dân và các nhà sản xuất phải cải tiến để sản xuất và cung ứng các sản phẩm tốt từ nông nghiệp cho xã hội.

 

 

Theo chungnhanquocgia.com

Viết bình luận:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: