Việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu và là giải pháp thay thế nông nghiệp truyền thống. Sử dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp để phát triển nông trại thông minh đã và đang được nhiều trang trại tại Bình Phước áp dụng.
Ứng dụng internet vào trồng trọt
Bằng kiến thức về tự động hóa đã được học sau thời gian du học tại Pháp, anh Đặng Dương Minh Hoàng, chủ trang trại Thiên Nông ở thôn Cây Da, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập đã áp dụng khoa học - công nghệ để tạo nên một nông trại thông minh.
Hiện trang trại có tổng diện tích 50 ha, trong đó 30 ha cao su, 12 ha bơ và 8 ha hồ tiêu. Bơ và hồ tiêu được trồng theo hướng hữu cơ, lắp đặt hệ thống tưới tự động đến từng gốc cây, hệ thống camera quan sát khắp nông trại, pin năng lượng mặt trời cung cấp điện cho sản xuất …
Toàn bộ hệ thống được điều khiển bằng điện thoại thông minh kết nối internet, hẹn giờ bật - tắt và lên lịch đóng - mở tự động.
Vườn lan công nghiệp mokara của Hợp tác xã Nông nghiệp SX-TM-DV Thành Phương (Nông trại Sunfarm) đang hứa hẹn một nguồn thu lợi lớn
Thông qua ứng dụng kết nối internet, tất cả dữ liệu về độ ẩm của đất, ánh sáng, lượng nước tưới và quá trình sinh trưởng của cây trồng được thu thập qua cảm biến. Những dữ liệu này được gửi đến máy tính hoặc điện thoại để các thuật toán phân tích.
Từ đó, người dùng sẽ đưa ra các quyết định chăm sóc và thu hoạch một cách phù hợp nhất. Và nếu đã được cài đặt trước thì hệ thống quản lý tự động có thể đưa ra quyết định thay chủ nhân trong các tình huống khẩn cấp, như cây trồng bị thiếu nước, hệ thống tự động kích hoạt tưới tiêu.
Chi phí đầu tư hệ thống này hết gần 80 triệu đồng cho 1 ha. Tuy nhiên, do tính toán chính xác được lượng nước cũng như phân bón cần bổ sung cho cây nên các nhà nông đã tiết kiệm được 80% nước, 40% phân bón, thuốc và hàng trăm nhân công lao động so với mô hình nuôi trồng truyền thống...
Công nghệ tưới tự động của Hợp tác xã Nông nghiệp SX-TM-DV Thành Phương được lập trình sẵn
Vườn bơ Mã Dưỡng của anh Hoàng được sử dụng công nghệ thông minh nên sinh trưởng và phát triển rất tốt, cho nhiều trái. Ngoài ra, trang trại còn sử dụng thêm phần mềm ứng dụng công nghệ Blockchain AutoAgri để cập nhật những thông tin hoạt động của trang trại, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Vì thế, trên các sàn giao dịch điện tử, khách hàng chỉ cần quét mã truy xuất là có thể biết được thông tin về nhà vườn, quy trình canh tác đến ngày thu hoạch và đặt hàng. Hiện trái bơ của Nông trang Thiên Nông không chỉ bán ra thị trường nội địa mà còn xuất khẩu sang Campuchia, Đài Loan, Lào, Nhật Bản, Trung Quốc.
Hiện anh Hoàng đang phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam và một số sở, ngành làm các thủ tục thành lập Chi hội Nông nghiệp số Bình Phước đưa phần mềm AutoAgri đến với nông dân, giúp họ truy xuất nguồn gốc và kết nối với các kênh thu mua để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Việc ứng dụng công nghệ vào trồng trọt chính là chìa khóa để anh Hoàng tạo được bước tiến trong quản lý nông nghiệp và truyền cảm hứng khởi nghiệp đến nhiều thanh niên địa phương.
Giảm chi phí, tăng hiệu quả trên cùng một diện tích
Ông Cao Thăng, Giám đốc điều hành Hợp tác xã Nông nghiệp SX-TM-DV Thành Phương (HTX Sunfarm) ở ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú cho biết:
HTX hiện có 10 ha đất canh tác, trồng bơ, dưa lưới và lan công nghiệp mokara. Bước vào sân chơi lớn, khách hàng nước ngoài sẽ có những tiêu chuẩn khắt khe hơn về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, vì vậy HTX đã ứng dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp hiện đại tiên tiến để canh tác. Các sản phẩm nông sản của HTX Thành Phương được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Anh Đặng Dương Minh Hoàng (bìa phải), chủ trang trại Thiên Nông giới thiệu với du khách về giống bơ Mã Dưỡng được trồng theo hướng hữu cơ
Đối với khu vực trồng dưa lưới, HTX đầu tư gần 13 tỷ đồng xây dựng 9 nhà màng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, với tổng diện tích 18.000m2. Nhà màng trồng dưa được thiết kế vật liệu bằng khung thép chịu lực, dễ tháo lắp, phía trên phủ lớp màng dày, xung quanh có lưới chắn côn trùng và hệ thống màng lưu động có thể đóng mở tùy điều kiện thời tiết.
Trong các nhà màng được bố trí hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, quạt đối lưu không khí, hệ thống phun sương trong nhà, các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm... Tất cả được đấu nối với bộ điều khiển trung tâm, có tác dụng nhận những thông số từ bộ cảm biến được lập trình sẵn để tự động điều chỉnh nước tưới, bón phân, thông gió, phun sương theo yêu cầu của từng loại cây trồng trong bộ nhớ lập trình, đảm bảo môi trường lý tưởng cũng như chất dinh dưỡng cho cây phát triển.
Vì trồng và chăm sóc nghiêm ngặt nên dưa lưới Thành Phương được khách hàng ưa chuộng. Trung bình mỗi năm, HTX xuất bán khoảng 150 tấn dưa lưới, đem lại nguồn thu rất lớn cho doanh nghiệp. Còn tại khu vực trồng lan công nghiệp mokara, HTX cũng đầu tư gần 9 tỷ đồng xây dựng 3 nhà lưới cách nhiệt, diện tích 2,3 ha bằng công nghệ hiện đại.
“Hiện HTX mới chỉ trồng được 1 nhà lan khoảng 8.000m2, diện tích còn lại đang tiến hành trồng tiếp trong thời gian tới. Mỗi nhà lưới trồng được trên 41.000 cây hoa lan, số tiền để mua giống nhập khẩu từ Thái Lan hết 2,5 tỷ đồng. Tuy vốn ban đầu lớn nhưng hiệu quả kinh tế lại lâu dài” - Ông Cao Thăng, Giám đốc điều hành HTX Thành Phương cho biết.
Lan mokara có thể ra hoa quanh năm, được đánh giá là một trong những loại hoa phong lan có khả năng chịu nắng tốt, thích hợp với việc sản xuất hoa cắt cành. Mỗi năm, 1 cây lan ra khoảng 7 đợt hoa, 1 đợt từ 1-3 cành hoa, có thể hơn tùy theo sức của từng cây.
Với giá bán từ 4.000-8.000 đồng/cành hoa, thì 1 năm, 1 nhà lưới cho thu khoảng 5 tỷ đồng, trong khi chi phí hết 800 triệu đồng, chưa kể giống và cơ sở vật chất ban đầu. Nếu phủ kín 3 nhà lưới thì HTX sẽ thu về khoảng 15 tỷ đồng từ tiền bán hoa lan.
Ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến đã giúp HTX Thành Phương giảm chi phí, tăng hiệu quả trên cùng một diện tích đất, hướng tới mục tiêu sản xuất chuỗi giá trị nông sản công nghệ cao kết hợp phát triển mô hình nông nghiệp xanh.
Theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, nông nghiệp là một trong 9 ngành, lĩnh vực ưu tiên chọn để chuyển đổi số đến năm 2025. Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025 có 20% trang trại, doanh nghiệp với khoảng 5-7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa.
Mở đường cho chuyển đổi số
Những kết quả bước đầu của việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp của trang trại Thiên Nông và HTX Thành Phương đã “mở đường” cho chuyển đổi số ngành nông nghiệp ở Bình Phước. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng chuyên nghiệp nên chi phí sản xuất của những nông trại thông minh luôn cao hơn nhiều so với trồng bằng phương pháp truyền thống.
Tuy nhiên, chỉ cần bỏ vốn đầu tư cơ sở vật chất một lần sẽ khai thác, canh tác và thu hoạch nhiều năm, do vậy, lợi nhuận sẽ rất cao. Thêm vào đó, các trang trại, HTX còn ứng dụng công nghệ số vào khâu quảng bá xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn thương mại điện tử.
Đây là giải pháp để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường, qua đó giúp HTX, trang trại tiếp cận xu thế thương mại thời đại công nghệ, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:
“Chúng tôi cũng đang hỗ trợ bà con chuyển đổi số trong nông nghiệp tức là sử dụng nhật ký điện tử, phần mềm kế toán, rồi hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực quản trị cũng như hỗ trợ sản xuất sạch, có tem nhãn để đưa lên sàn thương mại điện tử trong thời gian tới”.
Theo Báo Bình Phước